Ví điện tử của Việt Nam vẫn còn quá 'nghèo nàn' các dịch vụ (Ảnh: Tiêu Phong) |
Trong khi Alipay, WeChat, Samsung Pay… đang từng bước thâm nhập vào VN mang theo hệ sinh thái rộng khắp, điểm chấp nhận thanh toán ở nhiều quốc gia, tích hợp vào nhiều website bán lẻ lớn… thì ví điện tử Việt và các ngân hàng trong nước vẫn loay hoay tăng phí, nạp thẻ, chuyển tiền.
Theo thống kê của NHNN, VN đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán qua điện thoại di động, fintech (công nghệ trong tài chính)... Đến nay, số lượng thuê bao di động có phát sinh lưu lượng ước đạt khoảng gần 130 triệu, trong đó thuê bao 3G, 4G phát sinh lưu lượng đạt hàng chục triệu. Bên cạnh đó, dân số trên 90 triệu người, trong đó trên 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Nhóm khách hàng sử dụng điện thoại thông minh hiện nay hầu hết là những người trẻ, có kiến thức và ham trải nghiệm, ưa chuộng các phương thức thanh toán mới, đặc biệt là các phương thức thanh toán dựa trên nền tảng di động.
Kể từ khi cơ quan này cho thí điểm fintech cung cấp dịch vụ thanh toán năm 2008, đến nay có khoảng 40 công ty fintech đang hoạt động, chủ yếu cung cấp dịch vụ thanh toán. Có thể kể đến hàng loạt cái tên đã xuất hiện từ lâu và trong thời gian gần đây như MoMo, Ngân lượng, Money Lover, VinaPay, Payoo, Mobivi, ZaloPay…
Tuy nhiên, những tên tuổi này vẫn còn khá xa lạ với người dùng; thay vào đó là làn sóng của Alipay, WeChat, Samsung Pay… đang đổ bộ vào chiếm lĩnh thị phần. Các "ông lớn" này ngoài tấn công trực tiếp, còn đi "đường vòng" khi mua cổ phần để thôn tính các ví điện tử trong nước.
Đơn cử như Công ty CP M_Service (sở hữu ví điện tử MoMo) trong năm 2016 đã ký kết nhận 2 khoản đầu tư từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs với tổng trị giá 28 triệu USD. Tập đoàn NTT Data của Nhật đã mua 64% vốn của Payoo. MOL Global của Malaysia đã sở hữu 50% cổ phần tại Cổng thanh toán ngân lượng. Alipay (dịch vụ thanh toán thuộc Tập đoàn Alibaba đến từ Trung Quốc, của tỉ phú Jack Ma) vừa qua đã chính thức ký hợp tác chiến lược với Công ty CP thanh toán quốc gia VN (NAPAS) để chuẩn bị cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử cho khách Trung Quốc vào VN.
Vốn lớn, tiền mạnh, công nghệ hiện đại, quản trị bài bản… các "đại gia" này đang dần hình thành các chân rết tại thị trường thanh toán trực tuyến chực chờ bùng nổ tại VN. Đối với Samsung Pay, thời điểm 1 tháng sau khi ra mắt tại VN đã hút ngay 100.000 người dùng đăng ký, 50.000 thẻ được đăng ký và 50.000 giao dịch được thực hiện.
Trong khi đó nhìn vào "ví nội", ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), cho biết VN hiện có hơn 20 ví điện tử, nhưng người dùng thực tế rất thấp (ngay cả việc sử dụng để trả tiền điện, nước, internet, mua vé xem phim, nạp thẻ điện thoại...). Nguyên nhân chính, vẫn có hơn 90% thanh toán thương mại điện tử bằng tiền mặt, việc thanh toán qua các tiện ích công nghệ fintech còn quá hạn chế.
Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ của CMC SI, cũng cho rằng tại VN đang có quá nhiều ví điện tử, tuy nhiên lại không gắn với hệ sinh thái nào, dẫn tới bị phân mảnh. Ví điện tử Việt chưa có được mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán rộng khắp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Chuyên gia tài chính, PGS Ngô Trí Long đánh giá, hiện nay các fintech, ngân hàng của VN chưa chú trọng đầu tư vào công nghệ, mở rộng dịch vụ nếu có thì hệ sinh thái quá "mỏng". Trong khi chưa phát triển được đã vội tăng thuế, phí - một hình thức đầu tư rất ăn xổi. Và nếu không có sự thay đổi, nhiều fintech độc lập của VN chắc chắn sẽ bị sáp nhập hoặc khai tử. Thực tiễn cho thấy, các fintech không thể tồn tại riêng biệt mà phải có hệ sinh thái về dịch vụ - đó chính là vấn đề sinh tử, ông Long nhắc lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét